TOUR DU LỊCH LỄ HỘI
HÀ NỘI – ĐỀN BÀ CHÚA KHO – CHÙA DÂU – CHÙA BÚT THÁP (BẮC NINH) – HÀ NỘI
THỜI GIAN : 01 NGÀY
PHƯƠNG TIỆN : Ô TÔ
Mã tour : 0294
Thời gian : 01 ngày.
Điểm đến chính : Đền Bà Chúa Kho – Chùa Dâu – Chùa Bút Tháp (Bắc Ninh)
Nơi khởi hành : Hà Nội – Nơi kết thúc tour: Hà Nội
Giá tour / 1 khách : 2.000.000 VND (Hai triệu đồng), áp dụng cho Đoàn 45 khách trở lên.
Di động : 09.68.2222.86 – 09.68.2486.82
1.THÔNG TIN CHI TIẾT VỀ CHƯƠNG TRÌNH DU LỊCH :
HÀ NỘI – ĐỀN BÀ CHÚA KHO – CHÙA DÂU – CHÙA BÚT THÁP – HÀ NỘI (ĂN: SÁNG, TRƯA)
–06h 30: Xe và Hướng dẫn viên của Công ty đón Quý khách tại điểm hẹn ở Hà Nội, khởi hành đi Đền Bà Chúa Kho – Bắc Ninh.
-Trên đường đi, xin mời Quý khách dừng chân nghỉ ngơi và ăn sáng.
–08h 00: Tới Đền Bà Chúa kho – từng là nơi sản xuất, tích trữ lương thực dưới thời kỳ nhà Lý. Quý khách vào tham quan và dâng hương lễ, cầu cho một năm mới no đủ.
–11h 00: Quý khách nghỉ ngơi, dùng bữa trưa tại nhà hàng.
–13h 00: Du khách lên xe đi tham quan Chùa Dâu, Chùa Bút Tháp tìm hiểu về nghệ thuật kiến trúc, cũng như lịch sử phật giáo Việt Nam.
–16h 30: Quý khách lên xe trở về Hà nội.
–18h 00: Xe đưa quý khách về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chương trình : “Hà Nội – Đền Bà Chúa Kho – Chùa Dâu – Chùa Bút Tháp – Hà Nội 1 ngày”.
-Hướng dẫn viên của Công ty cảm ơn Quý khách đã sử dụng dịch vụ của công ty, chào tạm biệt và hẹn gặp lại Quý khách trong các chương trình du lịch sau !
2.CHI TIẾT VỀ GIÁ TOUR DU LỊCH :
-Giá tour / 1 khách : 2.000.000 VND (Hai triệu đồng), áp dụng cho Đoàn 45 khách trở lên.
–Trẻ em dưới 5 tuổi miễn phí, từ 5 đến 10 tuổi tính ½ suất người lớn, từ 11 tuổi trở lên tính giá tour như người lớn.
2.1. GIÁ TRÊN BAO GỒM :
-Nước uống trên xe ô tô.
-Xe ô tô du lịch đời mới, điều hòa nhiệt độ tốt.
–Hướng dẫn viên du lịch giàu kinh nghiệm, nhiệt tình, phục vụ suốt tuyến.
-Ăn sáng : 1 bữa.
-Ăn trưa : 1 bữa.
-Vé vào cổng các điểm tham quan theo chương trình du lịch này.
-Bảo hiểm 10.000.000 VND / vụ (Mười triệu đồng / vụ).
2.2. GIÁ TRÊN KHÔNG BAO GỒM :
-Chi phí cá nhân : giặt là, điện thoại..
-Đồ uống trong bữa ăn.
-Thuế VAT 10%.
-Các chi phí không có trong chương trình này.
-Hương, hoa, đồ cúng lễ tại chùa, đền.
3. GIỚI THIỆU CHI TIẾT :
3.1. ĐỀN BÀ CHÚA KHO :
– Đi lễ Bà Chúa Kho đã trở thành thói quen đối với nhiều người, đặc biệt là giới kinh doanh. Cứ vào dịp đầu xuân năm mới, hàng ngàn khách thập phương trong cả nước lại đến chiêm bái, thắp hương và dâng phẩm vật kính lễ bà Chúa kho, cầu mong một năm mới an lạc thịnh vượng và hạnh phúc.
-Đền Bà Chúa Kho toạ lạc trên lưng chừng ngọn núi Kho, tại khu Cô Mễ, xã Vũ Ninh, Thành phố Bắc Ninh, tỉnh bắc Ninh.
-Ngôi đền có liên quan đến sự kiện Lý Thường Kiệt lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Tống năm 1076. Vào thời đó ở làng Cổ Mễ, núi Kho, Cầu Gạo… vốn là những nơi đặt kho lương thực của quân Lý ở bờ Nam chiến tuyến Như Nguyệt (Sông Cầu). Núi Kho, núi Dinh, Thị Cầu cũng vốn là một vị trí chiến lược có thể kiểm soát con đường từ Lạng Sơn qua sông Cầu về Thăng Long xưa.
-Đền Cổ Mễ thờ Bà Chúa Kho chính là nơi tưởng niệm một người phụ nữ Việt Nam đã khéo tổ chức sản xuất, tích trữ lương thực, trông nom kho tàng quốc gia trong thời kỳ trước và sau chiến thắng Như Nguyệt.
-Vào đời nhà Lý, Bà có công giúp triều đình trông coi kho lương thực tại Núi Kho (tỉnh Bắc Ninh) và đã “thác” trong cuộc kháng chiến chống quân Tống vào ngày 12 tháng giêng năm Đinh Tỵ (1077).
-Nhà vua thương tiếc phong cho Bà là Phúc Thần. Người dân nhớ thương Bà lập nên đền thờ tại kho lương thực cũ của triều đình ở Núi Kho và gọi Bà với một niềm tôn kính là : Bà Chúa Kho.
– Còn theo truyền thuyết thì Bà Chúa Kho xuất thân trong một gia đình nghèo khó ở làng Quả Cảm, Bắc Ninh. Sau khi lấy vua Lý (chưa rõ vua nào) và chiêu dân cắm đất lập trại ấp, Bà được vua giao cho coi quản kho lương lớn ở làng Cô Mễ và Thượng Đồng. Ngoài việc coi sóc kho tàng, Bà còn phải cai quản số đông tù binh người Chăm do nhà Lý bắt được sau mỗi cuộc chiến tranh và đưa họ về làm ở các trang ấp.
– Dân Hạ Đồng, Trung Đồng, Thượng Đồng… tất cả gồm 72 trang ấp đều là những phạm nhân làm ruộng cho Bà. Cứ mỗi vụ thu hoạch, thóc từ các làng lại được đưa về hai kho lương. Đường vận chuyển thóc còn lại cho đến nay là dãy núi Dộc Dâu, chạy suốt từ sau làng Cô Mễ qua Hữu Chấp tới Thượng Đồng. Thực ra vẫn còn nhiều dị bản xung quanh thần tích về Bà Chúa kho nhưng càng về sau nay, hình ảnh Bà càng lịch sử hoá cụ thể.
– Đó chính là hiện tượng phổ biến phản ánh tâm linh, tín ngưỡng và truyền thống văn hoá của người Việt trong việc ngưỡng vọng, tôn thờ những người có công với dân với nước. Và quan trọng hơn cả là qua những truyền thuyết về Bà Chúa Kho, chúng ta vẫn thấy được một sự thực lịch sử được phản xạ, được nuôi dưỡng trong đó. Cho đến nay, việc thờ phụng Bà Chúa Kho ở Cô Mễ không còn tài liệu nào ghi chép lại.
– Ngôi đền và cách bài trí cùng hệ thống tượng cũng không còn, trong đó có sự hội nhập tín ngưỡng thờ Mẫu một cách sâu sắc, đến mức lấn lướt cả nội dung của ngôi đền thờ nữ thần là Bà Chúa Kho. Ban thờ được bố trí theo tín ngưỡng Tứ phủ. Ba vị Tam toà thánh Mẫu ngự ở vị trí chính, chung quanh là các ban Chầu Bà, ban Đức ông. Tầng dưới, phía ngoài dành cho ban Công đồng Tứ phủ, có hai vị ông hoàng : hoàng Bơ, hoàng Bảy cũng được đặt ở vị trí thờ riêng. Dưới cùng là Bát bộ sơn trang.
– Tuy vậy, ở tầng cao trong cùng, ngay sau ban thờ Tam toà Thánh Mẫu vẫn là pho tượng Bà Chúa Kho đúc bằng đồng với tôn hiệu Linh Từ Quốc Mẫu. Ngoài lòng sùng bái, khách hành hương về lễ đền còn có mục đích được cầu tài, phát lộc bằng cách vay tiền, xin lộc Bà. Chính tập tục này là điểm độc đáo cuốn hút khách thập phương về với bản đền. Tiền vay của Bà thường là tiền thực, độ vài đồng tiền Việt, nhưng cũng có khi là tiền thánh (tiền âm phủ). Nếu khách xin vay vàng (tượng trưng).
– Bà cũng thuận cho. Có vay, co nợ thì có trả. Việc trả nợ cũng sòng phẳng, tính cả lời lãi và đương nhiên là người vay tỏ sự biết ơn bằng cách tạ lễ. Thực tế cho thấy, không chỉ đền Bà Chúa Kho ở Cô Mễ mới có tục vay mượn tiền của thần thánh. Tập tục này được chi phối bởi niềm tin tâm linh của người Việt. Đó là loại niềm tin “không thể giải thích bằng ngôn ngữ, bằng lôgic thông thường”.
– Đối với tư duy khoa học kiểu duy lý, thì niềm tin ấy là hão huyền, nhảm nhí ! Vậy mà trong đời sống, thì niềm tin ấy có sức mạnh ghê gớm, trong đó người ta tìm thấy cả vũ trụ quan, thế giới quan, nhân sinh quan của con người” (GS Tô Ngọc Thanh), ở một khía cạnh nào đó, niềm tin tôn giáo này có ý nghĩa giáo dục đạo đức sâu sắc. Với niềm tin đó, con người biết ứng nhân xử thế hơn, biết hàm ơn người cho vay và coi họ là ân nhân.
– Xét trên góc độ tín ngưỡng tích cực thì việc vay tiền (chứ không xin không) ở đây không bị ràng buộc bởi những thủ tục trần tục như thế chấp, làm văn tự, thậm chí “dùng luật” … mà chỉ bị ràng buộc bởi những niềm tin tâm linh, bởi sự tự giác.
– Thế nhưng những cuộc vay mượn ấy lại không bị “quỵt”, bị “bùng” như đã từng xảy ra ở trần gian. Vì vậy, tập tục này về sâu xa còn có ý nghĩa tích cực trong việc di dưỡng tinh thần văn hóa, giáo dục con người làm ăn đứng đắn, sống có đạo lý.
– Hằng năm cứ mỗi khi tết đến xuân về, năm cũ qua đi, năm mới đến. Người ta lại đổ về Bà Chúa Kho để trả nợ năm cũ, để vay làm ăn cho năm mới. Điều này đã thành thông lệ quen thuộc cho rất nhiều người.
3.2. CHÙA DÂU :
-Vị trí : Chùa Dâu thuộc thôn Khương Tự (còn gọi là làng Dâu), xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Đặc điểm : là ngôi chùa đầu tiên của Việt Nam, được khởi dựng vào đầu thế kỷ thứ 3.
-Chùa thường được gọi là chùa Dâu, tọa lạc ở xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội khoảng 30 km. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.
Chùa Pháp Vân cùng các chùa Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện hợp thành chùa Tứ Pháp. Ngoài thờ Phật còn thờ các nữ thần : chùa Pháp Vân thờ Bà Dâu, chùa Pháp Vũ thờ Bà Đậu, chùa Pháp Lôi thờ Bà Tướng, chùa Pháp Điện thờ Bà Dàn.
-Chùa được xây dựng vào khoảng đầu Tây lịch ở vùng Dâu, thời thuộc Hán gọi là Luy Lâu, là một trung tâm Phật giáo Việt Nam xưa nhất. Thiền sư Tì-ni-đa-lưu-chi (Vinitaruci) – người Nam Thiên Trúc, sang Trung Hoa, đắc pháp với Tam Tổ Tăng Xán, được Tam Tổ chỉ dạy về phương Nam truyền đạo – đã đến chùa vào tháng Ba năm Canh Tý (580), mở đạo tràng thuyết pháp, lập nên Thiền phái đầu tiên ở Việt Nam.
-Chùa đã được Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi đứng ra dựng lại với quy mô lớn vào thế kỷ XIV và được trùng tu nhiều lần ở các thế kỷ sau.
-Ở tòa thượng điện còn một số mảng chạm khắc của thời Trần, thời Lê. Ở đây còn có tượng Bà Chúa Trắng Trương Thị Ngọc Chử và tượng Bà Hậu Khe Nguyễn Thị Cảo. Tượng Thái phi Ngọc Chử (1666 – 1750) được tác dạng bán khỏa thân tọa thiền trên một tòa sen. Bà là mẹ của An Đô Vương Trịnh Cương (1685 – 1729) là vị chúa có nhiều tâm huyết với công cuộc cải cách kinh tế, chính trị. Bản thân Bà cũng đã cho xây dựng, trùng tu nhiều công trình văn hóa dân tộc như : chùa Hàm Long, chùa Hồ Thiên, chùa Bút Tháp, chùa Pháp Vân…
-Chùa có tháp Hòa Phong nổi tiếng, tương truyền có 9 tầng, nay chỉ còn 3 tầng, được đại trùng tu vào năm 1737. Ca dao xưa có câu:
“Dù ai đi đâu về đâu
Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về.
Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về.
Dù ai buôn bán trăm nghề
Nhớ ngày mồng tám thì về hội Dâu”.
–Chùa Pháp Vân là một danh lam bậc nhất của xứ Kinh Bắc xưa nay, được xem là ngôi chùa đầu tiên của Phật giáo Việt Nam.
-Chùa Pháp Vân đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hóa Quốc gia.
3.3. LỄ HỘI CHÙA DÂU :
–Hội Dâu được tổ chức tại vùng Dâu, Bắc Ninh bao gồm năm ngôi chùa cổ: chùa Dâu thờ Pháp Vân (法雲寺, “mây pháp”), chùa Đậu thờ Pháp Vũ (法雨寺, “mưa pháp”), chùa Tướng thờ Pháp Lôi (法雷寺, “sấm pháp”), chùa Dàn thờ Pháp Điện (法電報寺 “chớp pháp”) và chùa Tổ thờ Man Nương là mẹ của Tứ Pháp. Năm chùa này ngoài thờ Phật còn thờ các nữ thần. Ngày 8/4 âm lịch được chọn làm ngày mở hội chùa Dâu, đây cũng được coi là ngày sinh của Phật tổ Thích Ca Mâu Ni.
-Tuy nhiên, trước khi đạo Phật được truyền vào thì người dân bản địa đã có tín ngưỡng thờ Thần Nước, tức là những vị Thần Nông nghiệp. Câu chuyện nàng Man Nương, cô gái Kẻ Mèn mộ đạo Phật, nằm ngủ quên giữa cửa, sư Khâu Đà La vô tình bước qua mà thụ thai, được giải thích là sự mầu nhiệm của “Thiên Nhân hợp khí”. Thực chất đó là cuộc hôn phối giữa đạo Phật với tín ngưỡng bản địa. Kết quả sau đấy đã sinh ra bé gái, tiền thân của Phật Tứ Pháp (Mây, Mưa, Sấm, Chớp) thờ ở vùng Dâu – Luy Lâu rồi lan tỏa ra nhiều nơi khác.
-Người xưa cũng làm cuộc “đánh tráo khái niệm” tài tình, cho bé gái sinh trùng khớp vào ngày Phật đản. Thành ra mồng 8/4 không chỉ là ngày sinh Phật Thích Ca mà còn là ngày sinh của Phật Tứ Pháp ở Việt Nam. Song ý nghĩa quan trọng nhất của Hội Dâu là cầu cho mưa thuận gió hòa, ước vọng ngàn đời của cư dân nông nghiệp.
-Ban ngày, rước Tứ Pháp về chùa Dâu “công đồng” là hội tụ các yếu tố Mây, Sấm, Chớp, Mưa. Ban đêm, rước Tứ Pháp đi “tuần nhiễu” một vòng khép kín từ Đông sang Tây là mô tả chu kỳ quả đất xoay tròn, tạo ra năm tháng, bốn mùa.
-Tổng thể 5 chùa cùng mở hội. Lễ hội có lễ rước lớn, đám rước 4 chị em về chùa Tổ bái vọng mẹ. Dâng hương cầu kinh xong, đám rước lần lượt trở về các chùa. Trong lúc rước, có các trò: múa gậy, cướp nước, múa sư tử, múa hóa trang rùa, múa trống, đấu vật, cờ người, đốt cây bông.
– “Múa gậy” không chỉ để dẹp đám mà còn tái diễn sự tích cây gậy thần kỳ. Giếng cổ trong chùa là dấu vết Man Nương cắm gậy xuống đất làm ra nước cứu sống sinh linh.
-Đặc biệt cuộc thi “Cướp nước” được đón đợi nhiều nhất, là cuộc thi chạy giữa bà Sấm (Pháp Lôi) với bà Mưa (Pháp Vũ). Người ta bói xem ai về đích trước để dự báo mùa màng. Nếu là bà Mưa thì năm ấy được mùa. Nếu là bà Sấm thì năm ấy ruộng đồng lắm sâu, nhiều đỉa, làm ăn trắc trở.
3.4. CHÙA BÚT THÁP :
–Chùa Búp Tháp là một ngôi chùa cổ, mặc dù đã trải qua những lần trùng tu, sửa chữa nhưng chùa vẫn giữ được những nét nguyên sơ hấp dẫn của nó. Chùa Bút Tháp được xây dựng vào thời hậu Lê – thế kỷ 17. Theo lịch sử, chùa được bà Trinh Thị Ngọc Trúc (Hoàng hậu của vua lê Thánh Tông) cùng hai nhà sư người Việt gốc Hoa thiết kế. Chùa nằm trên địa bàn xã Định Tô, huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh. Từ thủ đô Hà Nội theo đường 5 về hướng Đông bắc qua chùa Dâu và bờ đê sông Cầu khoảng 25 km là tới chùa Bút Tháp. Bút Tháp có tên nguyên thuỷ ghi trên tấm bia dựng vào năm Phúc Thái thứ 4 (1646) là “Ninh Phúc Tự”. Ngoài ra, dân trong vùng còn gọi chùa là Nhạn Tháp.
-Chùa thường gọi là chùa Bút Tháp, ở bên đê sông Đuống, thuộc thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.
-Nhiều tài liệu hiện nay cho biết chùa được dựng vào thời Trần. Sách Chùa Bút Tháp (Bùi Văn Tiến, 2000) cũng nói đến vị trụ trì chùa thời Trần là Thiền sư Huyền Quang, Trúc Lâm đệ tam tổ.
-Dưới sự bảo trợ của triều đình, chùa được trùng tu vào thế kỷ XVII. Thiền sư Chuyết Chuyết (tên Lý Thiên Tộ, người tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc đến Thăng Long giảng dạy Phật pháp từ năm 1633) được mời trụ trì chùa cho đến khi viên tịch (1644). Vua Lê Chân Tông phong hiệu cho ông là “Minh Việt Phổ Giác Quảng Tế Đại Đức Thiền Sư”. Đệ tử của ông là Thiền sư Minh Hành (người tỉnh Giang Tây, Trung Quốc) tiếp tục trụ trì chùa đến khi viên tịch (1659).
-Việc hưng công ngôi chùa có quy mô lớn gắn với tên tuổi của giới quý tộc trong triều là : Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (con gái của Thanh vương Trịnh Tráng) pháp danh Diệu Viên, Công chúa Lê Thị Ngọc Duyên pháp danh Diệu Tuệ và Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Cơ.
-Chùa kiến trúc theo kiểu: “Nội Công Ngoại Quốc”, gồm 10 nếp nhà với 162 gian nằm trên một trục dài hơn 100 m. Qua tam quan, đến gác chuông hai tầng tám mái. Tiếp đến là nhà tiền đường, nhà thiêu hương, thượng điện. Ở đây còn nhiều di vật của thế kỷ XVII như hai tấm bia đá dựng năm 1647, tấm gỗ chạm hình rồng phượng, chiếc hương án gỗ. Chung quanh tòa thượng điện có lan can bằng đá với 26 bức phù điêu, trong đó, 8 bức chạm cỏ cây hoa lá gồm sen, cúc, trúc, lan, tùng… và 18 bức chạm các loài động vật (kèm với các hoa văn khác) gồm ngựa, dê, trâu, khỉ, cá…
-Tòa thượng điện dựng trên nền cao hơn 1 m, gian giữa thờ tượng Tam Thế Phật với hai bàn hương án bằng gỗ đều được chạm khắc vào thế kỷ XVII. Hai gian bên có nhiều tượng, đặc sắc là các tượng Tuyết Sơn, Bồ tát Văn Thù, Bồ tát Phổ Hiền, Quan Âm tọa sơn… và kiệt tác là bảo tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn do nhà điêu khắc họ Trương tạc năm 1656.
–Bảo tượng Quan Âm có 11 đầu, mặt chính nhìn phía trước, hai mang tai có hai mặt phụ. Đầu tượng đội thiên quan, phía trên đầu chính có các đầu nhỏ hơn xếp chồng lên nhau thành ba lớp, trên cùng là tượng đức Phật A Di Đà ngồi tòa sen trong tư thế thiền định. Chính giữa thiên quan là một đài sen, phía trên có phù điêu đức Phật A Di Đà ngồi thiền định, có đao lửa tỏa ra chung quanh, có rồng chầu hai bên.
-Các đầu tượng đều có khuôn mặt của phụ nữ đôn hậu, tóc chải ngược lên đỉnh búi thành cuộn, mắt hé mở nhìn xuống, tai tượng lớn và dày, đeo hoa tai là bông sen nở. Cổ tượng cao, chạm thành ba ngấn.
-Tượng có 42 tay lớn, cánh tay đều để trần. Các ngón tay trong tư thế ấn quyết hoặc thiền định. Ngón tay búp măng, cổ tay đeo vàng kép nổi hạt ở giữa. Vòng dây chuyền đeo từ cổ xuống ngực. Ao tượng bó sát người với nhiều nếp phủ trên vai, bụng tượng thắt hầu bao. Tượng ngồi tư thế thiền định, bàn chân phải đặt ngửa trên đùi trái.
-Vành tay phụ phía sau làm thành một vòng tròn lớn đặt rời ra phía sau tượng. Trên đỉnh chạm một con chim có hai đầu người, cánh lớn xòe ra ôm lấy hai bên, đuôi chổng ngược. Vành tay được trang trí bằng hai đường diềm là văn xoắn và hàng dây cúc. Các cánh tay nhỏ được xếp thành nhiều lớp (từ 6 lớp ở phía dưới đến 14 lớp ở phía trên). Có 789 tay dài ngắn khác nhau, trong lòng mỗi bàn tay có một con mắt được chạm chìm.
-Đài sen được làm từ ba lớp cánh sen chính và một lớp phụ. Trong lòng mỗi cánh chính có hai gờ nổi nối từ gốc cánh sen lên phía trên rồi cuộn vào giữa để nâng nửa bông cúc mãn khai.
-Tòa sen được một con rồng đội. Rồng có mắt lồi kép, sừng mai, tai hình lá, miệng há mở, có răng nhọn, miệng ngậm hạt minh châu. Rồng tạc kiểu nhô đầu và hai tay lên trên mặt biển cuộn sóng, trên mặt sóng là cua, ốc, trai, cá.
-Bệ tượng được tạo thành nhiều cấp, nhiều lớp, được trang trí những hàng cánh sen, những vòng tròn kép, rồng và cá hóa long tranh nhau một quả cầu trên mặt bể, con lân đang vờn một viên ngọc lửa… Ở đây có ghi bằng chữ Hán niên đại tạo tượng: “Tuế thứ Bính Thân, thu nguyệt cốc nhật doanh tạo” và người tạo tác: “Nam Đồng Giao Thọ Nam Trương tiên sinh phụng khắc”.
-Tượng có kích thước như sau: chiều cao của tượng (tính từ đài sen lên): 235 cm; đầu rồng đội tòa sen: 30 cm; bệ tượng: 54 cm; chiều ngang của cánh tay xa nhất: 200 cm; chiều cao của vành tay phụ: 370 cm; đường kính của vành tay phụ: 224 cm.
-Từ thượng điện, qua chiếc cầu đá ba nhịp đến tòa Tích Thiện Am. Thành cầu cũng có 12 bức phù điêu đá miêu tả động vật và người.
–Chính giữa lòng nhà tòa Tích Thiện Am đặt cây tháp gỗ Cửu Phẩm Liên Hoa 9 tầng, 8 mặt, có thể quay tròn quanh một trục. Tháp mang ý nghĩa Cửu phẩm vãng sinh về thế giới Cực Lạc của đức Phật A Di Đà. Tháp đặt nhiều pho tượng Phật, Bồ tát và trang trí nhiều mảng phù điêu lấy đề tài trong Phật thoại.
-Sau Tích Thiện am là ba nếp nhà song song. Đó là nhà Trung, nhà Phủ thờ (có tượng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, Công chúa Lê Thị Ngọc Duyên và Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Cơ) và nhà hậu đường thờ tượng tổ sư các đời.
-Bên trái chùa còn có nhà tổ đệ nhất, thờ Thiền sư Chuyết Chuyết.
-Chùa có ngọn tháp đá Báo Nghiêm cao hơn 13 m, trong tháp có tượng Thiền sư Chuyết Chuyết. Phía sau chùa có ngọn tháp đá Tôn Đức cao khoảng 10 m, trong tháp có tượng Thiền sư Minh Hành.
–Chùa đã được trùng tu vào các năm 1739, 1903, 1915-1921 và 1992 – 1996. Đây là ngôi chùa có kiến trúc quy mô, hoàn chỉnh nhất còn lại ở nước ta.
-Chùa Bút Tháp đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hóa Quốc gia.